.::Mr.Luân XIN CHÀO NHỮNG VỊ KHÁCH ĐÁNG MẾN ! ::
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

.::Mr.Luân XIN CHÀO NHỮNG VỊ KHÁCH ĐÁNG MẾN ! ::

Hội Nhóm Đại Gia Phố Núi
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Trang phục truyền thống của Nga

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 139
Join date : 26/07/2011

Trang phục truyền thống của Nga  Empty
Bài gửiTiêu đề: Trang phục truyền thống của Nga    Trang phục truyền thống của Nga  I_icon_minitimeFri Jul 29, 2011 8:16 pm

Trang phục truyền thống của Nga
Trong bài viết này sẽ giới thiệu về những trang phục truyền thống của nước Nga. Những bộ trang phục dân tộc đã được nhân dân sáng tạo và giữ gìn trong suốt nhiều thế kỷ.
Trang phục của dân tộc Nga có một lịch sử rất phong phú. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời nước Nga cổ đại đến đầu thế kỷ XVIII, bộ trang phục đã có những thay đổi lớn về hình dáng cơ bản của nó. Thế kỷ XVIII trở thành cái mốc đánh dấu sự khác biệt trong trang phục. Đây là thời kỳ của những cải tổ trong kinh tế - xã hội và văn hóa ở nước Nga. Nó được đánh dấu bởi những thi hành pháp luật của Petr I nhằm điều hòa những môi trường khác nhau trong xã hội và tiến hành những thay đổi cơ bản. Cuộc cải cách đã thay đổi cuộc sống ở nước Nga một cách sâu rộng, trong đó có cả trang phục.

Từ thế kỷ XVIII trang phục tại nước Nga theo hai xu hướng:
sunny
Trang phục của các nhà quý tộc theo hướng của phương Tây,

Trang phục của người dân bình thường thì theo truyền thống. sunny

Trang phục truyền thống của người nông dân không chịu ảnh hưởng của luật pháp chính thức, bởi vậy vẫn bảo tồn được cho đến thế kỷ XX. Bộ trang phục vẫn giữ được vẻ cân đối và nét đặc biệt của nó. Theo quan niệm của người nông dân, bộ trang phục cũng thú vị như dân tộc Nga. Nó tập trung những nét đặc trưng nhất trong bộ trang phục cổ của Nga: cách cắt may, cách trang trí cùng phong cách thêu. Bộ trang phục truyền thống đặc trưng bởi đường cắt thẳng tự nhiên, độ dài của trang phục, ống tay lớn và rộng, có nhiều lớp với sự kết hợp màu sắc tương phản của các phần trong trang phục, sự đa dạng về họa tiết và trang trí.

Trang phục của phụ nữ

Trang phục của người nông dân theo những nguyên tắc chung về đường cắt, họa tiết nhưng không giống nhau về hình dáng. Nó khác bởi sự đa dạng trong cả bộ trang phục ở từng vùng địa lý và lịch sử - văn hóa cụ thể. Đặc biệt là đối với bộ trang phục của phụ nữ. Các nhà dân tộc học đã chia ra làm 4 loại cơ bản trang phục trên lãnh thổ nước Nga:

với váy poneva,
với váy sarafan,
với váy andarak,
với váy kubelek.
Hai bộ đầu tiên thường đươc mặc trên phần lớn vùng châu Âu và châu Á của nước Nga.

Bộ trang phục với váy poneva bao gồm có áo cánh, thắt lưng, chiếc váy poneva, yếm đằng trước, khăn đội đầu dạng con chim ác là, trang sức bằng lông chim và hạt cườm, giày được bện từ vỏ cây hoặc bằng da. Đây là trang phục có ở các tỉnh phía Nam phần châu Âu: Voronezh, Kaluzh, Kursk, Ryazan, Tambov, Tul, Orlov, một phần của Smolen.

Bộ trang phục với váy sarafan gồm có áo cánh, váy sarafan, khăn bịt đầu kiểu kokoshnik, mũ dushegrei, giày chủ yếu là bằng da. Chúng có ở phần châu Âu của nước Nga – các tỉnh Povolzhe, trên dãy Ural, tại Sibir, trên dãy Altai. Nó còn xuất hiện trong trang phục ở Arkhalgelsk, Vologod, Novgorod, Olonets.

Trang phục với váy kubilek đặc trưng cho các trang phục của người Kazak và một phần ở Bắc Kavkaz. Nó là chiếc váy may thắt ở eo, mặc phía trên là áo với ống tay rộng. Váy mặc cùng với quần dài và chít khăn trên đầu.

Bộ trang phục váy andarak gồm áo cánh, váy, áo nâng ngực, tấm thắt lưng lớn, khăn bịt đầu kiểu kokoshnik. Chúng có mặt tại Ryazan, Orlov, Kursk, Tambov.

Trang phục cho nam giới

Trang phục cho đàn ông Slavơ nói chung đều giống nhau. Nó bao gồm có áo dài thắt ngang lưng, quần không quá rộng, giày da hoặc bện bằng vỏ cây, mũ có hoặc không có vành. Như một nguyên tắc, áo buông đến cạp quần thì thắt lại.

Tuy nhiên nó có những đặc trưng riêng của từng vùng. Ví dụ, tại các làng ở ven bờ Bạch hải, đàn ông mặc áo dệt từ lông thú. Áo được nhét vào trong quần như một số dân tộc tại các vùng khác phía Bắc nước Nga. Tại một số làng ở miền Nam, trang phục của nam giới còn có cả áo gilet. Tại vùng Altai, đàn ông thích trang trí chiếc mũ của mình bằng những dải ruy băng hay những bông hoa giả. Ở những tỉnh thuộc trung tâm phần châu Âu của Nga, người ta cũng trang trí cho chiếc mũ bằng lông của các loại len mềm hay những chiếc vòng.

Trang phục của nam giới và phụ nữ được làm từ lanh, vải gai, lông thú, vải pha len của nhà làm, cũng như các sản phẩm của nhà máy như lụa, lông thú, vải sợi bông, gấm. Trang phục truyền thống có những chức năng nhất định. Nó được chia ra làm trang phục lễ hội, nghi lễ, thường ngày và để làm việc. Trang phục lễ hội được may bằng những loại vải đắt tiền. Tất cả những phụ kiện của trang phục, chiếc khăn bịt đầu, giày được trang trí công phu. Trang phục thường ngày thường đơn giản, trang trí sơ sài và được may từ những loại vải rẻ tiền. Trang phục nghi lễ dành để may trong thời gian diễn ra nghi lễ.

Bên cạnh việc giữ gìn hình dáng truyền thống, bộ trang phục dân gian đã không ngừng biến đổi. Sự phát triển của công nghiệp và thời trang thành thị ảnh hưởng mạnh tới lối sống xưa ở nông thôn và đời sống của nông dân cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Ngày nay, những đường cắt, những họa tiết của bộ trang phục truyền thống là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho những tìm tòi mẫu thiết kế mới. Nó là dành cho những người đam mê đích thực những sáng tạo dân gian.

Bát đĩa gỗ truyền thống của Nga


Những bát đĩa bằng gỗ của người Nga từ xa xưa đã được sử dụng rộng rãi. Màu vàng lấp lánh, ngọn lửa của màu đỏ son, chiều sâu bí ẩn của phông nền màu đen – đó là Khokhloma. Các sản phẩm của Khokhloma luôn phải đáp ứng một khối lượng nhu cầu lớn.
Đặc biệt việc sản xuất loại bộ đồ này phát triển với quy mô rộng vào thế kỷ XIX: các sản phẩm của Khokhloma qua hội chợ Nizhegorod đã đi khắp nước Nga, chúng còn được đưa tới các nước ở châu Á và Tây Âu. Mọi người bị chúng thu hút bởi cách sơn màu độc đáo, nước sơn đẹp, những hình họa sặc sỡ của ngày hội và vẻ đẹp của họa tiết. Đồng thời sản phẩm có giá rẻ và dùng được lâu: những món ăn nóng không làm thay đổi màu sắc, không mất đi những họa tiết.

Kỹ thuật sơn của làng Khokhloma liên quan tới việc xử lý nóng các sản phẩm và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như nghệ thuật. Công việc này tốn rất nhiều công sức. Các loại đồ vật khác nhau được trang trí họa tiết đặc trưng của Khokhloma. Những tách trà, bình đựng muối, những chiếc đĩa lòng sâu trắng – được gọi là “belio” – ban đầu được sấy khô, sau đó được phủ một lớp đất sét lỏng để che lấp các kẽ hở của gỗ. Việc này được thực hiện nhằm làm gỗ không thấm sơn sẽ được phủ lên sau đó.


Những đồ vật sau khi sấy khô được phủ một lớp sơn lanh và nung trong lò suốt đêm. Sau đó chúng được quét một lớp dầu gai thật kỹ, một lần nữa lại được phơi khô. Quá trình này lặp đi lặp lại 3 – 4 lần. Sau khi đã quét dầu gai kỹ, những sản phẩm này sẽ được tráng một lớp thiếc. Một lớp thiếc mỏng được phủ lên bề mặt của đồ vật, nhờ thế những sản phẩm bằng gỗ sáng bóng lên như bạc.

Chỉ sau khi đã trải qua những công đoạn chuẩn bị như vậy thì đồ vật mới được trang trí: người ta vẽ trên bề những họa tiết bằng sơn đen và đỏ nhờ một chiếc bút nhỏ. Đồ vật đã được trang trí, một lần nữa được phủ thiếc và nung trong lò. Dưới tác dụng của nhiệt độ, sơn trở nên tối màu hơn, có màu nâu hơi vàng, nhờ đó, lớp thiếc dưới sơn có ánh vàng.

Trong những họa tiết của Khokhloma hầu như không có thể loại tả cảnh; nghệ thuật của những người họa sĩ hướng vào việc miêu tả hình dáng thực vật hay người ta gọi là “những họa tiết cây cỏ”. Những hoa văn họa tiết này có liên quan tới hội họa truyền thống của nước Nga cổ. Những thân cỏ mềm mại chạy khắp mặt vật dụng tạo nên một vẻ ngoài đặc biệt lộng lẫy cho đồ vật.

Nguồn gốc của họa tiết Khokhloma


Màu vàng lấp lánh, ngọn lửa của màu đỏ son, chiều sâu bí ẩn của phông nền màu đen – đó là Khokhloma. Vẻ đẹp đó xuất phát từ đâu? Theo những nhà nghệ thuật học dự đoán, nghệ thuật trang trí bát đĩa gỗ được nảy sinh trong những tu viện. Ở đây, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng có thể là tu viện Troitse – Sergiev. Chính trong môi trường của những thầy tu ở Troitse đã sản sinh ra một người nghệ nhân khắc gỗ tài hoa của nghệ thuật trang trí thế kỷ XV – đó là người thợ chạm gỗ Amvrosy. Vào thế kỷ XVI, tu viện này trở thành trung tâm hoạt động nghệ thuật. Sang thế kỷ XVII, những bộ đồ bằng gỗ trang trí bằng vàng và sơn màu đỏ son của Troitse nổi tiếng khắp nước Nga. Ở những làng thuộc tu viện, có những người thợ làm tranh thánh, nghệ nhân các nghề trang trí khác như người làm thìa gỗ, làm gáo, thợ tiện, thợ bạc làm việc. Những bảng kiểm kê của tu viện chứng minh rằng, trong số những báu vật được bảo quản có rất nhiều bộ đồ bằng gỗ. Trong bảng kiểm kê của tu viện năm 1641 có hàng trăm chiếc bình, gàu cũng như những chiếc đĩa được làm từ các loại gỗ khác nhau. Những bộ đồ bằng gỗ của tu viện với các hình dáng và cách trang trí khác nhau đã được tặng cho những vị khách nước ngoài như món quà kỷ niệm về nghệ thuật dân tộc. Nhưng chưa chắc tất cả những bộ đồ này đều được mạ vàng. Nguồn dự trữ của tu viện là rất lớn, nhưng tu viện cần bao nhiêu để có được những bộ đồ này? Huống chi vào thế kỷ XVII – XVIII, những người trang trí đã thay cho việc mạ vàng bằng việc sử dụng bột bạc. Bề mặt của gỗ phủ bạc được quét một lớp sơn lanh vàng, đặt trong lò nung, nhờ vậy nó có ánh rất giống vàng. Kỹ thuật này rất gần với kỹ thuật của Khokhloma, chỉ có thay thế bột bạc trong công đoạn đầu tiên bằng thiếc. Ngày nay nó được thay bằng bột nhôm.


Nhưng những họa tiết hoa cỏ thì xuất phát từ đâu? Nguồn gốc những trang trí của Khokhloma với cách kết hợp màu đặc biệt chịu ảnh hưởng của nghệ thuật trang trí thế kỷ XV – XVI: màu đỏ tươi, màu đen và màu vàng; những cành cây với chùm quả dại. Vào thế kỷ XV – XVI có thể bắt gặp những sự kết hợp màu sắc tương tự trong những bức tranh và tượng thánh, trong họa tiết bìa những cuốn sách. Những họa tiết này cũng có thể bắt gặp trong các đồ dùng, bát đĩa và cả nơi ở. Ví dụ như những cây cỏ, hoa và lá vàng được vẽ trên tường đỏ Prestolnaya trong cung điện Teremnyi của điện Kremlin (1635 – 1636). Tại Bảo tàng các nghề thủ công truyền thống ở Semenov cũng lưu giữ bức tranh thánh cuối thế kỷ XVII – trong đó hoa văn cây cỏ mạ thiếc. Họa tiết này người ta thấy xuất hiện trong tất cả những loại hoa văn trang trí của làng Khokhloma.

Nghề thêu truyền thống ở Nga


Thêu thùa là một trong những hình thức phổ biến nhất của nghệ thuật dân tộc. Cây kim, cuộn chỉ, mảnh vải – đó là tất cả những gì cần thiết để may và thêu trang phục, làm ra những sản phẩm tinh xảo để trang trí nhà cửa.
Trên trang phục cũng như những vật dụng trong nhà có thêu hình mặt trời, những con chim, những người phụ nữ - nó như biểu tượng của sức mạnh cuộc sống, hạnh phúc, sự màu mỡ. Người ta tin rằng chúng sẽ mang tới cho ngôi nhà sự sung túc.

Việc thêu thùa của các dân tộc trên lãnh thổ Nga đặc biệt đa dạng về kỹ thuật cũng như nghệ thuật thêu, nó mang đặc trưng cuộc sống của mỗi dân tộc.


Đường khâu cổ nhất và được thích nhất trong thêu thùa của Nga là kiểu “đếm mũi”. Có các kiểu thêu: hình chữ thập, hình 2 chữ thập đơn giản, những họa tiết (nửa chữ thập), đuôi sam, thêu nổi và các kiểu khác. Cách thêu này được sử dụng rộng rãi để trang trí rèm che, khăn trải bàn, gối trên đivăng, khăn ăn, panno và quần áo.

Tại làng Mstera thuộc tỉnh Vladimir, người ta thêu nổi bằng chỉ trắng (thêu trắng) hoặc chỉ màu (thêu màu). Những họa tiết thêu trắng là những bông hoa nhỏ, cỏ và quả dại tạo nên những bó hoa, dây hoa, những đường vạch và các góc. Những họa tiết lớn hơn như bông hoa, chiếc lá, con chim hay con cá được thêu kiểu Vladimir với chỉ dày (8 – 12 sợi). Những đường khâu trần được may theo hướng của chiếc lá, cánh hoa hay đường tròn. Màu cơ bản trong thêu thùa của Nga là màu đỏ, ngoài ra còn có thêm màu xanh nước biển, xanh lá cây và vàng. Với kiểu thêu của Vladimir có kiểu thêu nổi, thêu thành mạng chồng lên nhau.




Thêu màu của vùng Alexandrov là kỹ thuật xuất hiện vào thời kỳ sau chiến tranh tại thành phố Alexandrov (tỉnh Vladimir). Kỹ thuật này được thực hiện bằng những đường khâu ngắn không có mặt lót, nó được dùng cho việc thêu những họa tiết với những mô típ hình cây cỏ - đó là những họa tiết khái quát khi làm những hình mẫu cụ thể như nhánh những bông hoa, quả mâm xôi, thanh lương trà hay phúc bồn tử. Cách phối màu sắc trở thành nguyên tắc chung. Ví dụ, những quả dại màu đỏ và những chiếc lá màu nâu. Đôi khi, họa tiết được thêu bằng 1 màu, nhưng mẫu nguyên thủy của nó thì luôn được giữ nguyên. Có những họa tiết bao gồm những nhành cây, trên nhành cây là những bông hoa đã hé nở và những quả dại thì chín mọng.

Những nghệ nhân người Nga đã sáng tạo ra một khối lượng lớn những hoa văn thêu. Đối với những vùng phía Bắc, màu trắng đặc trưng cho những đường thêu xương cá; còn với khu vực miền Trung – nó thường thêu cùng những đường thêu màu trong đường viền bức tranh hay ở những phần nhỏ của hoa văn; ở các tỉnh miền Nam, có những họa tiết trang trí màu thêu đan xen nhau. Những hoa văn màu cũng như trắng được thêu theo lưới làm bằng vải thưa.

Ở bất kể vùng, tỉnh hay miền nào trên đất nước Nga đều có thể bắt gặp những tác phẩm độc đáo của những nghệ nhân tài hoa.

Những đồ chơi dân gian từ đất sét


Những đồ chơi dân gian có một sức hút kỳ lạ. Chúng không chỉ làm những đứa trẻ say mê, mà còn là món đồ kỷ niệm đầy ý nghĩa với những du khách nước ngoài. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những đồ chơi làm bằng đất sét của các vùng trên lãnh thổ nước Nga.
Đồ chơi vùng Tver

Những đồ chơi này là của các nghệ nhân tỉnh Tver, chính xác hơn là từ Torzhk. Có thể lập tức nhận ra những đồ chơi này: những con chim, con gà trống, chim lửa, vua cá, những con gấu và những đồ chơi tu huýt khác được quét một lớp vảy. Những đồ chơi này sau đó được trang trí rất tươi sáng và nổi bật trên nền nâu đỏ của đất sét nung. Nét đặc trưng của đồ chơi vùng Tver là cách trang trí nổi bật những chiếc vảy và đường viền.

Đồ chơi vùng Dymkovo


Nghề thủ công này xuất hiện ở ngoại thành Dymkovo, gần thành phố Vyatka. Ở đây có những loại đất sét và cát rất tốt. Từ xa xưa, những người thợ ở đây ngoài việc làm những chiếc vò và chậu còn làm những món đồ chơi cho trẻ em. Chỉ có những người phụ nữ và trẻ em mới nặn cũng như trang trí các món đồ chơi. Những người phụ nữ đã nặn đồ chơi từ đất sét đỏ, làm trắng nó bằng vôi và vẽ chúng bằng các loại màu được nhào trong trứng, dấm và kvas. Hình trang trí mang tính hình học rất nghiêm khắc, đó là những hình vuông, những đường sọc, hình tròn và những chấm lớn. Ngoài cách trang trí tươi sáng và đặc sắc, những đồ chơi vùng Dymkovo có cách trang trí riêng bằng vàng. Trang trí bằng vàng là một công việc rất phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Những lá vàng nhẹ hơn lông chim bởi vậy khi trang trí bằng lá vàng, phải đóng cửa để tránh gió lùa. Những đồ chơi vùng Dymkovo luôn là món đồ yêu thích trong nhân dân.

Đồ chơi vùng Karpol


Tại phía Bắc nước Nga, không xa thành phố Karpogol, trong làng Grinevo khá hẻo lánh có một nữ nghệ nhân làm đồ chơi là Ulyana Babkina. Làng Grinevo trở nên hoang vắng, những người thợ làm đồ chơi bỏ làng đi và nghề thủ công gần như sẽ mất nếu như bà Ulyana Babkina không tiếp tục kiên nhẫn nặn những món đồ chơi. Bà Ulyana vui vẻ dạy nghề cho tất cả những người mong muốn, và bà đã thành công để thay đổi. Những người thợ khéo tay định cư ở những làng xung quanh và chính trong làng Karpol. Nhờ có họ, đồ chơi truyền thống của làng đã được khôi phục. Để nặn đồ chơi, người ta dùng đất sét đỏ. Những hình thù được nặn hơi thô, vạm vỡ, đôi vai xuôi xuống ngay từ gáy và những đôi chân ngắn. Những người thợ làm con giống đã nhân cách hóa các con vật, chúng làm những gì con người làm: những con gấu, con dê và con cừu chơi nhạc, cầm bát và hút thuốc. Những món đồ chơi được sấy khô, nung trong vài tuần, sau đó được quét vôi. Những họa tiết khá đơn giản: những đường sọc, những nét vẽ, hình quả trám và những chấm nhỏ. Màu sắc của đồ chơi có màu xanh da trời, đỏ gạch, xanh lá cây, đen và vàng đất. Đôi khi người ta còn thêm màu vàng tươi và màu bạc.

Đồ chơi vùng Yaroslavl


Tại tỉnh Yaroslavl, làm những cái tu huýt hình con ngựa hay con chim hình thoi, 2 chân ngắn và nhỏ cùng những cái lưng dài. Đồ chơi được phủ men sứ hoặc sơn dầu trắng với những đốm vạch màu đỏ và xanh.

Đồ chơi vùng Abashevo


Trong những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, có một người thợ tài hoa là ông Larion Zotkin sống và làm việc ở làng Abashevo. Ông là một trong những người đã khôi phục lại đồ chơi của Abashevo. Tất cả những đồ chơi của Zotkin là những chiếc tu huýt hình con giống với thân mình khá dài. Có thể nhìn thấy con cừu màu xanh với cái sừng bạc rất khỏe, con chó xanh đốm bạc, con hươu đỏ sừng với cái sừng nhiều gạc giống như cây thông. Những con vật bình dị nhất dưới đôi bàn tay của Larion Zotkin đã biến thành những con vật huyền bí. Cho đến nay, những người thợ vẫn tiếp tục truyền thống đó.

Đồ chơi vùng Filimonovo


Theo truyền thuyết trong vùng, người sáng lập ra làng (từ thời Ivan bạo chúa) là người thợ gốm Filimon (từ đó mới có cái tên Filimonovo). Từ đất sét của vùng Filimonovo, người ta làm ra những loại bát đĩa và đồ chơi khác nhau, nhưng không phải tất cả, chỉ có những chiếc tu huýt cho ngày lễ tết: những con vật nhỏ, chim, ngựa, những cô tiểu thư hay anh lính. Những cô gái cầm trong tay bó hoa hoặc cái bình, trong đó là chiếc còi. Còn những anh lính thì cắp nách con vịt và từ đó có thể thổi được. Những con vật bị kéo dài là do đặc tính của loại đất sét. Những người Filimonovo gọi nó là “sinika” vì màu đen bóng và độ “mỡ” của nó. Đất sét Filimonovo khi sấy khô sẽ nhanh có những vết nứt, nó phải được dần dần vuốt phẳng bằng tay ướt, bởi vậy những món đồ chơi vô tình bị kéo dài và thu hẹp lại. Đến khi đất sét khô, món đồ chơi được vuốt phẳng rất nhiều lần – cần khoảng 5 ngày. Cho đến nay để vẽ họa tiết, người ta không dùng bút lông, mà dùng lông ngỗng. Nếu vẽ bằng bút lông lên mặt đất sét, màu sẽ không giữ được. Những người thợ còn làm những đồ chơi với kích cỡ lớn với những con búp bê để trang hoàng nhà cửa.

Đôi giày truyền thống của Nga

Những biểu tượng truyền thống của Nga như matrioshka, rượu vodka, trứng cá chiếm một vị trí trang trọng. Còn ủng dạ - đó là những đôi giày mùa đông rẻ nhất, ấm nhất của nước Nga.
Lịch sử của ủng dạ bắt đầu cách đây vài nghìn năm. Từ thế kỷ IV (trước Công nguyên), tổ tiên người châu Á ở Nga đã dùng ủng dạ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những hiện vật tại vùng Altai. Ở nước Nga cổ, chỉ những người nông dân khá giả mới đi ủng dạ vì nó khá đắt. Những gia đình có chúng trong nhà được coi là những gia đình giàu có. Chúng được giữ gìn và truyền cho thế hệ sau. Có được món quà là đôi ủng dạ được coi là một điềm may mắn. Những người thợ thủ công làm ủng dạ không nhiều, còn kỹ thuật sản xuất được giữ bí mật, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chàng trai có đôi ủng dạ được coi là một chú rể đáng mơ ước đối với các cô gái.

Cả những người trong hoàng gia cũng không hề coi thường những đôi ủng dạ. Petr I đã coi nó như một biện pháp trong chữa bệnh nôn nao khó chịu. Vào mùa đông sau khi tắm ở những lỗ đục trên mặt băng, ông yêu cầu những chiếc khăn và đôi ủng dạ ấm. Chính vào thời gian này việc cai quản sản xuất ủng dạ tại Nga được phổ biến rộng rãi. Ekaterina Velikaya đã đi đôi ủng dạ dưới chiếc váy xòe khi chân bà bị đau. Người ta đã tạo ra cho bà một loại lanh mềm đặc biệt từ len dày màu đen. Còn nữ hoàng Nga Anna Ioanovna đã cho phép các quý bà đi ủng dạ với những bộ lễ phục.

Ủng dạ đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh. Mùa đông, các chiến sĩ chỉ có thể đi ủng dạ. Quân Nga đã chiến thắng quân của Napoleon và Hitler nhờ một số lượng lớn những đôi giày ấm áp này.

Nhiều nhà chính trị trong thời kỳ hiện đại rất tôn trọng nghề thủ công này. Stalin đã được cứu sống nhờ đôi ủng dạ trong cuộc đi đày ở Sibiri, Nikita Khrushchev cũng đã trải qua thời thơ ấu với đôi ủng dạ. Những người sản xuất ủng dạ thường nhận được các đơn đặt hàng cá nhân của những vị lãnh đạo cấp cao. Và tên tuổi của những người đặt hàng được giữ bí mật.

Không có ủng dạ không thể chinh phục được những vùng phía bắc, những chuyến thám hiểm ở cực Bắc và cực Nam. Hiện nay đã xuất hiện trong lịch sử những hiện vật là những đôi ủng dạ của các vận động viên tham gia vào Thế vận hội mùa đông ở Salt lake City, những đôi ủng dạ trắng của thợ hồ vải vùng Syzran làm quà tặng Stalin sinh nhật lần thứ 70 hay đôi ủng dạ của Georgy Zhukov trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Những đôi ủng dạ tốt nhất là những đôi giày được người thợ thủ công ở làng quê làm. Nghề thủ công này tại các làng ở Sibiri và miền Trung nước Nga hiện nay đang được khôi phục. Trước đây tất cả các vùng đều làm ủng dạ. Công việc này có lãi mặc dù độc hại và rất vất vả. Cùng với thời gian các xưởng thủ công sản xuất ngày càng phát triển. Hiện nay ở Nga có một vài nhà máy sản xuất ủng dạ. Trong đó nhà máy Gorizont đã có lịch sử từ năm 1854. Chính nhà máy này vào năm 2001 đã nghĩ ra một trong những bảo tàng độc đáo nhất – Bảo tàng ủng dạ Nga (Matxcơva).

Trong vòng 300 năm trở lại đây, nghề thủ công này đã có những thay đổi lớn. Sản xuất ủng dạ ngày nay cũng như trước kia là một quá trình rất phức tạp. Để sản xuất ra một đôi ủng dạ không phải cỡ lớn nhất đã cần gần 1kg lông, có nghĩa là phải cắt lông 1 con cừu lớn. Như vậy, khi chúng ta đi một đôi ủng dạ, chúng ta đã mang ở chân lông 2 chú cừu non.

Ủng dạ bắt đầu được làm bằng lông. Nó được phân loại, giặt và phơi khô. Một chiếc máy sẽ nghiền nhỏ và biến nó thành bông. Loại lông tốt là loại có thể bay chỉ với làn gió nhẹ thổi qua.

Lông được trải ra và kéo thành sợi. Từ đó người ta làm ra những đôi ủng dạ. Nhưng để bông trở thành tấm vải may ủng dạ, sợi lông phải trải qua một quá trình, đó là một chiếc máy nén sẽ đập kỹ chỗ lông thành tấm dạ. Công đoạn tiếp theo, bằng một cái khuôn chuyên dụng người ta cắt những chiếc ủng dạ theo những kích cỡ cần thiết. Cần phải đặc biệt chú ý tới việc nối với đế giày. Đế giày không chỉ được làm bằng một lớp nỉ mà còn được lót một lớp lông dày.

Người ta sẽ bọc những phần đã làm vào một tấm vải ẩm và lăn nó thật kỹ: lông sẽ được nén chặt xuống. Công việc này rất vất vả, đòi hỏi nhiều sức lực vì tất cả đều được làm bằng tay. Việc lăn được thực hiện dọc theo chiếc ủng, khi đó sẽ tạo nên độ rộng của chiếc ủng. Và chiếc ủng dạ đã được ra đời.

Hình dáng thông thường của chiếc ủng chỉ có được nhờ việc lăn nó: 40 – 50 chiếc ủng mới sẽ được bọc trong một tấm vải không thấm nước và đưa qua một chiếc máy cán. Nó được làm như vậy 3 lần. Chiếc ủng sẽ không còn một vết nối nào. Sau công đoạn này, chiếc ủng dạ đã được làm xong, nhưng chỉ có cỡ lớn – cao 1m và dài 0,5m. Sau hai lần giặt (trong nước lạnh, sau đó là nước nóng) và một chiếc giày chuẩn cỡ 42 đã hoàn thành.

Tổ hợp máy làm từ gỗ cây tùng (loại gỗ khác sẽ không giữ được nhiệt và tốc độ) giống như người máy, sẽ giặt thành phẩm 3 lần. Sau đó khi nó đã khô, một lần nữa chiếc ủng được lăn và đập lại lần nữa. Chiếc giày được để trong hơi nóng để nó mềm ra và có thể trang trí màu sắc cần thiết. Máy Krokodil tạo cho chiếc ủng dáng và kích cỡ cần thiết: bằng chiếc khuôn gỗ, giày được kéo căng theo chiều ngang. Để chiếc ủng vào khuôn, nắn hình bằng chiếc búa để vuốt phằng chiếc ủng. Như một viên kim cương chiếc ủng được gọt rũa lần cuối.

Công đoạn cuối cùng là phơi khô. Đặt ủng vào một cái lò chuyên dụng từ 12 – 14 tiếng. Để biết được chiếc ủng đã khô hay chưa không khó: khuôn sẽ bỏ ra được dễ dàng nếu ủng đã đạt yêu cầu. Tất cả công đoạn này mất ba ngày rưỡi.

Ủng dạ là loại giày duy nhất được làm từ những chất liệu tự nhiên mà không gây hại tới môi trường.

Lịch sử cây đàn balalaika

Đàn balalaika là một nhạc cụ truyền thống của Nga. Nó không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, mà còn mang trong mình cả tâm hồn Nga và đã trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa Nga.
Đàn balalaika xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Có khá nhiều tài liệu và những chứng cứ về sự xuất hiện của cây đàn. Nhiều người cho rằng, đàn balalaika được nghĩ ra ở nước Nga cổ, những người khác lại cho rằng nó xuất phát từ một nhạc cụ của người kirgiz – kaisak – dombra. Còn có một giả thuyết nữa: có khả năng đàn balalaika được nghĩ ra trong thời gian quân Tatar chiếm đóng, hoặc ở một mức độ nhất định, đó là sự giao thoa với nền văn hóa của người Tatar. Do vậy khó có thể xác định chính xác năm cây đàn xuất hiện. Những nhà sử học và những nghiên cứu âm nhạc vẫn đang tranh luận về vấn đề này. Phần lớn nghiêng về năm 1715, nhưng còn có một con số sớm hơn được nhắc tới – 1688.

Có lẽ, đàn balalaika được những người nông dân nghĩ ra để làm phong phú cho cuộc sống bị áp bức của mình. Dần dần đàn balalaika được phổ biến trong những người nông dân và những anh hề. Những anh hề biểu diễn tại các hội chợ, mua vui cho người dân, kiếm tiền nuôi sống mình và không hề biết họ đang chơi loại nhạc cụ thần kỳ như thế nào. Việc mua vui không kéo dài được lâu, vua Aleksei Mikhail của toàn Nga đã ra lệnh tịch thu tất cả các loại nhạc cụ (đàn domra, đàn balalaika, tù và, đàn gusli và các nhạc cụ khác) và đem đốt. Còn những người không chịu nộp chiếc đàn thì bị bắt và đi đày ở Tiểu Nga.

Nhưng thời gian trôi qua, nhà vua chết và lệnh cấm dần bị dỡ bỏ. Đàn balalaika một lần nữa lại xuất hiện trên khắp đất nước nhưng không tồn tại được lâu. Thời gian làm thay đổi những trò tiêu khiển.

Đến giữa thế kỷ XIX, một số nông dân vẫn chơi loại nhạc cụ ba dây này. Trong một lần đi dạo ở điền trang, nhà quý tộc trẻ Vasily Vasilevich Andreev đã nghe thấy tiếng đàn balalaika. Tiếng đàn đặc biệt đã gây ấn tượng mạnh với ông vì ông tự cho mình là người biết nhiều loại nhạc cụ của Nga. Vasily Vasilevich quyết định hoàn thiện chiếc đàn balalaika.

Để bắt đầu, ông đã dần dần học cách chơi đàn. Sau đó, ông nhận thấy cây đàn mang trong mình những khả năng rất lớn, ông đã nghĩ đến chuyện hoàn thiện tiếng đàn. Andreev đến Peterburg gặp người thợ làm đàn Ivanov, nhưng Ivanov đã từ chối làm việc này. Andreev suy nghĩ, với tay lấy cây đàn cũ ông đã mua ở hội chợ với giá 30 kopek và chơi một bài dân ca của Nga. Ivanov đã không thể từ chối trước sự tấn công mãnh liệt đó và đồng ý thực hiện. Công việc kéo dài và vất vả, nhưng cuối cùng cây đàn balalaika mới đã được hoàn thành.

Cây đàn balalaika gồm 3 phần chính. Phần thứ nhất là thân đàn gồm có mặt đàn (phần trước) và phần sau, được tạo nên bằng cách dán 6 – 7 mảnh gỗ lại với nhau. Phần thứ hai là cần đàn có các phím đàn và cuối cùng là đầu đàn – phần trên cùng của balalaika. Trên phần đầu đàn là các khóa để lên dây. Ở phần mặt đàn thường có một cái lỗ nhỏ, trên lỗ nhỏ đó thường có một màng bảo vệ. Nó có tác dụng bảo vệ mặt đàn khỏi những cú đập trong khi chơi. Ở nhiều đàn balalaika không có cái lỗ nhỏ này, chúng được thay thế bằng một bức tranh nhỏ vẽ hình hoa hay quả dại.

Nhưng Vasily Andreev còn nghĩ tới một điều gì đó lớn hơn là hoàn thiện cây đàn balalaika. Ông muốn trả lại cây đàn cho nhân dân và phổ biến nó. Hiện nay tất cả những người lính khi phục vụ trong quân đội đều được phát cho một cây đàn balalaika và khi rời quân ngũ họ mang theo cây đàn.

Như vậy, cây đàn balalaika một lần nữa được phổ biến rộng rãi tại Nga và trở thành một trong những nhạc cụ phổ biến nhất. Andreev còn nghĩ ra việc thành lập một hệ thống đàn balalaika với các kích cỡ khác nhau theo hình thức tứ tấu đàn dây. Để làm được điều này ông đã tập hợp các nghệ sĩ Paserbsky và Palimov để cùng thực hiện. Dàn nhạc gồm pikkolo (đàn nhỏ nhất), prima (loại đàn thông thường), alto và bass (loại đàn lớn hơn). Chúng chính là thành phần cơ bản của dàn nhạc Velikorussky. Dàn nhạc đã đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới để tôn vinh đàn balalaika cũng như văn hóa Nga. Ngày nay, ở một số nước khác như Anh, Mỹ, Đức đã thành lập dàn nhạc nhạc cụ dân tộc Nga theo hình mẫu của Velikorussky.

Andreev ban đầu tự chơi trong dàn nhạc, sau đó ông đứng ra chỉ huy. Đồng thời ông đã có những buổi biểu diễn độc tấu – những buổi tối của balalaika. Tất cả những điều này đã thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi đàn balalaika tại Nga và thậm chí là ở nước ngoài.

Vasily Vasilevich đã đào tạo được một đội ngũ những người cố gắng phổ biến cây đàn balalaika như Troyanovsky và những người khác. Trong thời kỳ đó, các nhạc sĩ cũng đã chú ý tới cây đàn balalaika. Lần đầu tiên cây đàn xuất hiện trong dàn nhạc giao hưởng.

Ngày nay đàn balalaika mặc dù gặp nhiều thăng trầm nhưng nó vẫn luôn là biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống của Nga trong mắt bạn bè thế giới.

Lịch sử búp bê Matrioshka
Vào những năm 90 của thế kỷ XIX A.Mamontova đã đem về từ Nhật Bản hình ảnh một cụ già hói đầu, tốt bụng – nhà thông thái, bổ sung vào kho tàng đồ chơi cho trẻ con Matxcơva.
Thứ đồ chơi này khá đặc biệt, nó bao gồm nhiều con búp bê lồng vào nhau. Khi đó, người thợ tiện gỗ Vasily Zvezdochkin đang làm việc trong xưởng thủ công đã tiện từ gỗ những thân hình giống nhau, hình này đặt bên trong hình kia, còn hoạ sĩ Sergey Malyutin vẽ lên đó các hình vẽ miêu tả con người.

Búp bê Matrioshka đầu tiên là hình ảnh một cô gái trong trang phục dân tộc truyền thống: áo xa – ra – phan, yếm và khăn trùm đầu. Thứ đồ chơi này có khoảng 8 búp bê trở nên. Hình tượng các búp bê gái được lần lượt thay đổi từ búp bê bé trai để phân biệt với nhau. Con búp bê trong cùng nhỏ nhất là hình ảnh một đứa trẻ quấn tã. Tên gọi Matrena thời đó đã được rất nhiều người biết đến. Cái tên Matrioshka cũng bắt nguồn từ đó.

Ngày nay, chỉ có những đồ chơi - đồ lưu niệm bằng gỗ được tiện, vẽ bao gồm nhiều mẫu lớn nhỏ lồng vào nhau mới được gọi là búp bê Matrioshka. Những đồ chơi không lồng được vào nhau chỉ đơn giản là “đồ chơi tiện”.

Đầu những năm 1900, xưởng mỹ nghệ “Giáo dục trẻ thơ” được mở, nhưng xưởng mỹ nghệ chuyên sản xuất búp bê Matrioshka lại nằm tại vùng Sergiev Posad, cách Thủ đô Matxcơva 70 km về phía Bắc. Những con búp bê Matrioshka đầu tiên được bán với giá khá đắt nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người mua và một số lượng lớn đơn đặt hàng. Việc sản xuất búp bê Matrioshka nhanh chóng được mở ra khắp vùng Sergiev Posad, xưởng thủ công của các dòng họ Ivanov, Bogoyavlensky lần lượt xuất hiện. Sau đó, nghệ nhân Vasily Zvezdochkin cũng chuyển tới đây lập nghiệp.

Xung quanh Sergiev Posad là những khu rừng, còn ngay tại vùng này có rất nhiều thợ tiện gỗ giàu kinh nghiệm. Sản xuất búp bê Matrioshka đã trở nên phổ biến và rộng khắp tới mức còn có cả các đơn đặt hàng sản xuất từ Paris, Đức, tại hội chợ Leipzig nổi tiếng.

Đầu thế kỷ XX búp bê Matrioshka được xuất khẩu đại trà ra nước ngoài. Các hình vẽ trên búp bê Matrioshka cũng đẹp hơn, đa dạng hơn. Những con búp bê chủ yếu miêu tả hình ảnh các cô gái mặc áo xa – ra – phan, quàng khăn, cầm chiếc giỏ đựng đầy hoa trên tay.

Những con búp bê với đủ những hình tượng mới xuất hiện, đó là hình ảnh chú bé mục đồng với cây sáo, ông cụ râu ria bạc trắng tay cầm cây gậy lớn, chú rể hào hoa với hàng ria mép và cô dâu trong trang phục váy cưới. Trí tưởng tượng của các hoạ sĩ hết sức phong phú, không bị hạn chế. Những con búp bê Matrioshka được bố trí theo nguyên tắc khác nhau để đáp ứng mục đích của mình – làm quà tặng. Như vậy, bên trong búp bê Matrioshka “Cô dâu, chú rể” có đủ chỗ chứa cả những người họ hàng. Những con Matrioshka phản ánh chủ đề này thường được hoàn thành đúng vào những ngày nhất định.

Ngoài hệ đề tài gia đình, búp bê Matrioshka còn được tính toán trên những mức độ thông thái và trình độ học vấn nhất định. Như nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn N.V.Gogol những con búp bê Matrioshka miêu tả các nhân vật trong các tác phẩm của ông đã ra mắt đông đảo công chúng: đó là các nhân vật trong vở hài kịch “Viên thanh tra” (Khlestakov, cư dân thành phố, quan toà, ông Giám đốc bưu điện cùng nhiều nhân vật khác).

Năm 1912, nhân dịp kỷ niệm 100 năm trận đánh Borodino, những búp bê mang hình tượng Kutuzov và Napoleon cũng đã được hoàn tất. Bên trong những con búp bê này là những hình ảnh nhỏ dần của các chiến hữu, thành viên ban tham mưu của hai vị tướng tài ba cùng những người tham dự trận chiến lịch sử này. Còn rất nhiều những búp bê thể hiện các nghi thức cũng như các tác phẩm văn học dân gian.

Chủ đề trong các câu chuyện cổ tích luôn thu hút được sự chú ý đặc biệt của loại búp bê này. Những hình tượng trong các truyện: “Repka”, “Cá vàng”, “Hoàng tử Ivan”, “Chim lửa” và nhiều truyện khác đều có búp bê Matrioshka minh hoạ hết sức sinh động. Búp bê Matrioshka trở nên phong phú không chỉ nhờ các hình vẽ mà cả bởi số lượng búp bê lồng vào nhau.

Đầu thế kỷ XX, tại Sergiev Posad, những con búp bê Matrioshka có tới 24 con lồng vào nhau, đến năm 1913 người thợ tiện Nikolai Bulychev đã phá kỷ lục với số lượng búp bê là 48. Ngay trong năm nay, tại Sergiev Posad, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi đã được thành lập mang lại số lượng thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Búp bê Matrioshka được truyền bá rộng rãi, đã bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất vượt ra ngoài biên giới Sergiev Posad - tới vùng Semenovsky thuộc tỉnh Nizhegorod. Búp bê tại vùng mới này có nét giống, có nét hoàn toàn khác với búp bê tại Sergeev Pasad. Nếu tại Sergiev Posad, búp bê Matrioshka mũm mĩm và tròn trịa, đầy đặn thì tại các xưởng thủ công Semenovsky có thân hình cân đối và thon thả hơn, miêu tả hình ảnh người thiếu nữ đẹp, hoạt bát.

Đồng thời, hình tượng con lật đật cũng bắt nguồn từ loại búp bê này. Năm 1958, con lật đật đầu tiên làm từ gỗ - giấy xuất hiện tại Viện nghiên cứu – khoa học tại Sergiev Posad. Thứ đồ chơi có khả năng phát ra âm thanh đã được sản xuất theo công nghệ mới bằng cách ép nóng. Tác giả của công nghệ này là nghệ nhân Ivan Moshkin. Bên trong là một vật nặng bằng kim loại, vật này giúp cho con lật đật không bị ngã và nhanh chóng lấy lại trạng thái cân bằng.

Nhắc tới búp bê Matrioshka, chúng ta không thể không nhắc tới Bảo tàng đồ chơi tại Sergiev Posad. Bảo tàng này cách bến xe, tại toà nhà hai tầng cổ kính 7 phút đi bộ. Các bạn nhỏ và cả những người trưởng thành từ khắp mọi miền Tổ quốc tới đây để được tận mắt ngắm nhìn những thứ đồ chơi từ cổ tới kim. Cùng với một số lượng lớn các hiện vật khác, tại đây giới thiệu tới người xem toàn bộ những bộ sưu tập búp bê Matrioshka hết sức độc đáo. Trong số đó có cả con Matrioshka đầu tiên do đích thân hoạ sĩ nổi tiếng S.V.Malyutiny vẽ. Tới đây bạn còn có thể làm quen với nhiều trường phái vẽ khác nhau: serfievo – posadsky, semenovsky, polkhov – maidansky…

Mới đây tại Thủ đô Matxcơva Bảo tàng trưng bày búp bê Matrioshka cũng đã được mở.

Đôi điều về tắm hơi kiểu Nga
Trước đây người Nga đi tắm hơi mỗi ngày, ngày nay truyền thống này trở thành một thú giải trí. Mọi người tới đây để thư giãn, gặp gỡ bạn bè và trò chuyện.
Nhà tắm hơi là một nơi rất thú vị. Đây là nơi có thể thả lỏng thư giãn, giải tỏa khỏi những vấn đề, thoát khỏi sự mệt mỏi và có được năng lượng tuyệt vời cùng cảm giác thoải mái. Không phải vô tình mà trong truyền thống của dân tộc Nga tắm hơi được xem như một phương pháp có một không hai: “Banya parit, banya pravit, banya vse popravit”. Nhưng trong tắm hơi cũng có những bí mật riêng để có được sự sảng khoái.

Những nguyên tắc chữ “P”

Vào phòng tắm hơi phải có những nguyên tắc nên theo, đó là: sự từ từ, tính vừa sức, tính kế tiếp nhau. Thứ nhất, tắm hơi không được được vội vàng vì bên cạnh 2 – 3 tiếng trực tiếp trong nhà tắm hơi còn cần ít nhất khoảng 3 tiếng để nghỉ ngơi và thư giãn. Bởi vậy thường phải dự định đi tắm hơi vào ngày nghỉ. Thứ hai, một điều rất quan trọng, không được tắm hơi lúc đói bụng hoặc vừa ăn nó xong. Để chuẩn bị cho mình vào nhà tắm có nhiệt độ cao, để bắt đầu người ta tắm nước ấm không dùng xà phòng (đầu không được để ướt!). Đừng quên chiếc mũ nhỏ trùm đầu, nó sẽ giúp đầu không bị quá nóng. Lần đầu tiên vào tắm hơi, có thể ngồi trong đó 8 – 10 phút. Với đồng hồ bấm giây, tất nhiên, không ai bắt ngồi bao lâu, nhưng cuộc thi đấu “ai ngồi lâu hơn ai” là không cần thiết. Không được đưa ngay nhiệt độ lên cao nhất. Cơ thể cần phải quen dần với độ nóng, bởi vậy tốt nhất là mỗi phút tăng lên một chút.

Tắm hơi tại Nga không chỉ là tắm hơi

Đây là một tài sản của dân tộc Nga. Sự khoan khoái có được là cái nóng của nhẹ nhàng, dễ chịu cho cơ thể, hương thơm trong hơi bốc lên, từ những cái chổi nhỏ. Nhờ đó có thể tập trung vào chính mình: ngồi, làm nóng và tất cả những suy nghĩ. Trong tắm hơi có rất nhiều bí mật, nhưng có một vài cách dân gian hay dùng. Ví dụ như một phương pháp tuyệt vời để giảm cân – bôi một lớp mật ong ấm lên người và ngồi vào xông hơi. Mật ong thúc đẩy trao đổi chất và chính bằng cách này nó đẩy những lượng cân thừa ra khỏi cơ thể. Rửa lớp mật ong đó đi, lập tức bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.

Đi lại trong phòng tắm hơi phải hơi cúi người. Nhiệt độ khác nhau giữa cổ và chân là khoảng 20 độ. Nếu như đầu nóng hơn là thân mình thì điều đó có hại cho điều hòa cơ thể. Hãy ra phòng trước khi vào xông hơi, quấn mình trong một tấm khăn và để cho cơ thể nguội lại từ từ. 2 – 3 phút là đủ và nhanh chóng tắm. Khi cơ thể đang nguội dần đi, đừng vội vàng quay trở lại nhà tắm hơi. Hãy nghỉ ngơi một chút. Hãy chú ý tới vòng tuần hoàn “làm nóng – làm mát – nghỉ ngơi” và bạn sẽ có được hiệu quả cao nhất.

Điều thú vị nhất

Điều thú vị nhất của tắm hơi là massage bằng chổi từ cây sồi hoặc cây bạch dương. Đầu tiên là chuẩn bị. Để chiếc chổi nhỏ không làm tổn thương da, nó cần phải được ngâm nước sôi đúng cách: ban đầu bỏ vào chậu nước lạnh từ 15 – 20 phút, sau đó khoảng hấp trong nước nóng khoảng 1 phút, hơn nữa không vứt hết lá đi, còn tay cầm tốt nhất được ngâm nước. Trong trường hợp này thì không cần một chiếc chổi mới, nó sẽ làm rách da bạn. Còn một điều quan trọng: trước khi massage bằng chổi, cần làm tăng độ ẩm không khí. Hãy cho một chút nước ngâm trong cỏ, điều này nó sẽ làm dậy mùi hơn. Phải dùng chổi thật khéo. Quất cho đến bất tỉnh là cách tra tấn thời trung cổ, còn không phải là cách làm để cải thiện sức khỏe.

Sau khi xông hơi có thể ngâm mình trong bể bơi hoặc tắm

Nghỉ ngơi, ngồi trong phòng trước khi vào xông hơi và uống trà cùng các loại cỏ và mật ong. Sau đó lại tiếp tục xông hơi: nằm ở tầng trên, sau đó ở dưới, dần dần làm nguội cơ thể. Và nghỉ ngơi hoàn toàn khoảng 2 tiếng.

Tắm hơi – một liều thuốc hiệu quả

Các chuyên gia khẳng định rằng tất cả những gì tích tụ trong một tuần vất vả và môi trường ô nhiễm đều có thể được giải tỏa qua việc tắm hơi. Và thực sự, không có một hệ thống nào hay một bộ phần nào bên trong cơ thể lại không có được những tác động tốt: củng cố hệ thống thần kinh, xương và các đốt sống trở nên tốt hơn, các quá trình trao đổi và tuần hoàn được phục hồi. Những người muốn gầy đi không phải quá vất vả có thể giảm được vài cân. Da dẻ trở nên mịn và nhẵn. Và nhiều người nói chung quên đi được bệnh tật của mình.

Chiếc chổi trở thành biểu tượng trong tắm hơi của Nga

Thông thường hiệu quả và lợi ích của việc tắm hơi phụ thuộc vào chiếc chổi. Không phải vô tình mà trong dân gian đã nói: “Trong phòng tắm hơi chổi quý hơn tiền bạc”. Chiếc chổi có nhiều loại khác nhau.

Chổi bằng cành bạch dương có một không hai: nó chữa mọi bệnh tật, làm con người được tĩnh tâm, giúp con người trong đau nhức xương và cơ bắp.

Chổi từ cây sồi có một tác dụng tốt là chống viêm và bệnh huyết áp cao.

Chổi bằng cây khuynh diệp hay cây tùng tránh cho con người khỏi các bệnh về hô hấp, chữa bong gân và các vết thương.

Chổi bằng cây tầm ma nên dùng cho những người bị bệnh phong thấp, đau dây thần kinh.

Với những người bị bệnh ngoài da thì những chiếc chổi bằng cây trăn, cây anh đào dại hay cây kim ngân là rất tốt.

Chổi từ cây thanh lương trà hay cây phúc bồn tử có lợi cho bệnh tê phù.

Để có hiệu quả rõ rệt có thể dùng những chiếc chổi từ các cây sồi, cây tùng, phúc bồn tử và cây tầm ma.

lol! lol! lol! lol! lol! lol! lol!
Về Đầu Trang Go down
https://k9luan.forumvi.com
 
Trang phục truyền thống của Nga
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Ngôi nhà truyền thống của người Nga
» Thông tin chung
» Truyen (Cậu bé ba mắt)
» truyện Kiều ( Che' )
» Truyen (DragonBall) !

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
.::Mr.Luân XIN CHÀO NHỮNG VỊ KHÁCH ĐÁNG MẾN ! :: :: Your first category ( The Loai ) :: Văn hóa Nga-
Chuyển đến